Những thực phẩm làm hội chứng ruột kích thích thêm tồi tệ
Hội chứng ruột kích thích (IBS) khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, lo lắng, làm cho bữa ăn thêm stress và kém ngon miệng hơn. Người mắc phải hội chứng này có thể giảm các triệu chứng bệnh bằng cách áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý, cân bằng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tránh các loại thực phẩm không phù hợp, dễ gây kích thích ruột, làm ảnh hưởng tới sức khỏe.
Có nhiều thực phẩm khiến cho hội chứng ruột kích thích trở nên nghiêm trọng, tồi tệ hơn. Đó là những thực phẩm có hàm lượng chất béo cao, hàm lượng chất xơ không hòa tan lớn, ví dụ như sữa, bông cải xanh…. Sau đây là danh sách những nhóm thực phẩm mà người bệnh ruột kích thích nên hạn chế!
Thực phẩm chiên rán, dầu mỡ
Thực phẩm chiên rán và nhiều dầu mỡ nhìn chung đều không tốt cho sức khỏe con người. Với những người bị hội chứng ruột kích thích thì càng như vậy. Họ có thể gặp nhiều rắc rối nếu ăn các món chiên rán, nhiều dầu mỡ. Tạp chí American Journal of Gastroenterology (Mỹ) từng công bố một nghiên cứu cho thấy, thực phẩm chiên rán là thực phẩm hàng đầu phổ biến nhất kích hoạt hội chứng ruột kích thích ở bệnh nhân. Vì thế khi ăn, bạn có thể cân nhắc đồ nướng hoặc luộc như 1 giải pháp thay thế.
Caffeine
Một tách cà phê sáng có lợi trong việc giữ cơ thể tỉnh táo hoặc sảng khoái, nhưng trong thức uống này lại có những chất không tốt người bị hội chứng ruột kích thích. Cụ thể, caffeine kích thích hệ tiêu hóa, có vai trò như một loại thuốc lợi tiểu, khiến cho nhu động ruột hoạt động nhiều hơn. Bên cạnh đó, cà phê cũng làm tăng tình trạng mất nước, làm cho hội chứng ruột kích thích trầm trọng thêm.
Thịt đỏ
Thịt đỏ bao gồm những loại như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu… Chúng có hàm lượng chất béo cao, dễ kích hoạt các triệu chứng của căn bệnh ruột kích thích. Do đó thay vì ăn thịt đỏ, lựa chọn thịt nạc như thịt gà tây, thịt gà, cá hồi… sẽ có lợi hơn với sức khỏe của bạn.
Lúa mạch, lúa mì
Bất kỳ thực phẩm nào có lúa mì, lúa mạch đen thì đều có gluten. Viện Y tế Quốc gia Mỹ từng thực hiện một nghiên cứu cho thấy, không dung nạp gluten và các dị ứng thực phẩm tương tự có thể là nguyên nhân cơ bản dẫn tới hội chứng ruột kích thích. Vì thế, cắt bỏ lúa mì, lúa mạch ra khỏi chế độ ăn hàng ngày có thể cải thiện căn bệnh đáng kể.
Rượu bia, nước có ga
Rượu bia gây khó chịu cho đường ruột của bạn, làm mất nước nặng hơn do vấn đề tiêu chảy. Tiêu chảy được coi là một triệu chứng thường gặp của ruột kích thích. Trong khi đó, nước giải khát có ga cũng gây hại cho ruột. Cụ thể, nó gây đau dạ dày và làm trầm trọng hơn tình trạng đầy hơi.
Hành, tỏi và bông cải xanh
Các loại rau thường có lợi, nhưng trong trường hợp người bệnh ruột kích thích lại dễ gây đầy hơi và chướng bụng. Đó là những loại rau như hành, tỏi, súp lơ trắng, bông cải xanh. Hành tây có chứa fructan – một loại carbohydrate mà người bệnh ruột kích thích nên tránh.
Sản phẩm bơ sữa
Hàm lượng chất béo cao trong những sản phẩm bơ sữa dễ gây đầy hơi, làm cho người bệnh thêm đau đớn. Bạn nên chuyển sang những loại sữa ít chất béo hoặc không béo, pho mát và sữa đậu nành để giảm bớt các triệu chứng bệnh.
Đậu
Đậu chứa nhiều protein nhưng cũng dễ làm tăng khí trong ống tiêu hóa, gây đầy hơi, đau bụng và chuột rút. Trong các loại đậu còn có một loại carb phổ biến là galactans, có khả năng gây kích ứng ruột. Tránh ăn các loại đậu có thể giảm bớt triệu chứng của bệnh lý này.
Táo, đào, chuối và quả mọng
Bộ Nông nghiệp Mỹ đã khuyến nghị người trưởng thành mỗi ngày nên ăn khoảng 22 – 34 g chất xơ. Nhưng với những người bị hội chứng ruột kích thích thì khác, họ chỉ nên ăn chất xơ hòa tan có trong gạo lứt, trái cây khô… Chất xơ không hòa tan trong một số loại trái cây như đào, chuối, táo, quả mọng… thì không tốt cho tình trạng này.
Hy vọng danh sách trên sẽ giúp bạn phòng tránh những nguy cơ từ bệnh ruột kích thích, từ đó nhanh chóng phục hồi!